Bệnh tiểu đường type 2 và cách điều trị
Bệnh tiểu đường type 2 (hay đái tiểu đường type 2) là một rối loạn chuyển hóa đặc trưng bởi tình trạng tăng đường huyết do thiếu hụt insulin tuyệt đối hoặc tương đối xảy ra trên nền đề kháng insulin.
1.Đặc điểm của bệnh tiểu đường type 2:
Bệnh tiểu đường type 2 phần lớn thường xảy ra ở người lớn hơn 40 tuổi, có tính gia đình (di truyền).
Tần suất mắc bệnh tiểu đường type 2 rất khác nhau giữa các nhóm chủng tộc – sắc tộc, chiếm khoảng 90 – 95% các trường hợp đái tháo đường.
Bệnh tiểu đường type 2 phát triển một cách âm thầm do đó bệnh nhân thường phát hiện trể.
Có thể điều trị bệnh tiểu đường type 2 bằng chế độ ăn, vận động thể lực đơn thuần hoặc phối hợp với thuốc hạ đường huyết uống, điểu trị insulin trong một số giai đoạn.
2. Nguyên nhân bệnh tiểu đường type 2:
Bệnh tiểu đường type 2 do nhiều nhiều nguyên nhân bao gồm: căng thẳng (stress), chế độ ăn nhiều chất ngọt – chất béo, yếu tố di truyền, béo phì – thừa cân, ít vận động thể lực, yếu tố môi trường….
3. Ai dễ mắc bệnh tiểu đường type 2:
- Người trên 45 tuổi.
- Người có BMI = 23, vòng eo > 90 cm (nam), > 80 cm (nữ).
- Người có người thân (bố, mẹ, anh, chị, em ruột đã mắc bệnh đái tháo đường).
Người có tiền sử sản khoa đặc biệt (thai chết lưu, xảy thai, đái tháo đường thai nghén, sinh con to ≥ 4kg) - Tăng huyết áp vô căn ( ≥ 140/90 mmHg)
- Người có tiền sử rối loạn dung nạp glucose hoặc rối loạn đường huyết lúc đói
- Người có bệnh mạch vành hoặc đột quỵ
- Tăng triglyceride (mỡ) máu.
- Chế độ ăn nhiều chất béo.
- Uống nhiều rượu
- Ngồi nhiều
- Người béo phì hoặc thừa cân
4. Triệu chứng của bệnh đái tháo đường type 2:
Mệt mỏi:
khi bị đái tháo đường, cơ thể giảm hay đôi khi không còn khả năng sử dụng glucose để tạo năng lượng nữa. Do đó, cơ thể phải chuyển sang dùng mỡ, một phần hay hoàn toàn, để tạo ra năng lượng. Quá trình này đòi hỏi cơ thể phải sử dụng năng lượng nhiều hơn và kết quả cuối cùng là người bệnh sẽ cảm thấy mệt mỏi thường xuyên.
Giảm cân không rõ nguyên nhân:
bệnh nhân bị đái tháo đường không thể xử lý được calori trong thức ăn dẫn đến giảm cân ngay cả khi ăn đủ hay thậm chí là ăn nhiều. Mất đường và nước qua nước tiểu cũng là một tác nhân góp phần vào triệu chứng giảm cân này.
Khát nước nhiều:
Bệnh nhân bị đái tháo đường có mức đường huyết cao làm lấn át khả năng giữ lại đường của thận khi lọc máu để tạo thành nước tiểu. Một lượng nước tiểu lớn được hình thành khi thận bị đầy tràn đường. Cơ thể cố gắng chống lại hiện tượng này bằng cách gửi một tín hiệu lên não để làm máu loãng ra bằng cách tạo cảm giác khát, đòi hỏi phải đưa vào cơ thể thêm nhiều nước để làm loãng nồng độ đường trong máu đang cao trở về mức bình thường và để bù vào lượng nước bị mất do tiểu nhiều.

khát nước bệnh tiểu đường type 2
Tiểu nhiều:
một cách khác giúp cơ thể thoát khỏi tình trạng dư thừa đường là thải đường ra ngoài qua nước tiểu. Hiện tượng này sẽ làm cơ thể bị thiếu nước do khi thải đường ra ngoài cơ thể sẽ mang theo một lượng lớn nước cũng đi ra theo chung với nó.
Ăn nhiều:
nếu cơ thể vẫn còn đủ khả năng, nó sẽ tiết ra nhiều insulin hơn để đối phó với tình trạng nồng độ đường cao trong máu. Hơn nữa, cơ thể trở nên đề kháng với hoạt động của insulin trong đái tháo đường type 2. Một trong những chức năng của insulin là kích thích cảm giác đói. Do đó, nồng độ insulin cao trong cơ thể sẽ dẫn đến tăng cảm giác đói và muốn ăn. Bất chấp sự gia tăng lượng calori nhập vào cơ thể, người bệnh có thể chỉ tăng cân rất ít hay thậm chí là giảm cân.
Chậm lành vết thương:
nồng độ đường cao trong máu ngăn chặn bạch cầu hoạt động bình thường (bạch cầu là những tế bào đóng vai trò quan trọng trong chức năng tự bảo vệ của cơ thể chống lại vi trùng và nó cũng dọn dẹp những mô và tế bào chết). Khi bạch cầu hoạt động không bình thường, các vết thương trở nên lâu lành hơn và bị nhiễm trùng thường xuyên hơn. Ngoài ra, đái tháo đường kéo dài còn dễn đến dày thành của các mạch máu gây cản trở các tế bào máu có chứa oxy và chất dinh dưỡng đến nuôi các mô của cơ thể.

ngoại tử bàn chân
Nhiễm trùng:
một số hội chứng nhiễm trùng, như nhiễm nấm sinh dục, nhiễm trùng da, nhiễm trùng đường niệu do hệ thống miễn dịch đã bị ức chế bởi bệnh đái tháo đường và bởi sự hiện diện của glucose trong mô (giúp vi khuẩn phát triển tốt). Nó cũng là dấu hiệu chỉ điểm cho biết có sự kiểm soát đường huyết kém ở những bệnh nhân đái tháo đường.
Thay đổi về trạng thái tâm thần:
những biểu hiện như lo âu, cáu gắt vô cớ, mất tập trung, ngủ mê, hoặc lẫn lộn cũng đều có thể là dấu hiệu của tình trạng đường huyết rất cao, nhiễm ceton acid, hội chứng tăng áp lực thẩm thấu, hoặc hạ đường huyết. Do đó, khi thấy bất kỳ một biểu hiện nào kể trên ở những bệnh nhân đái tháo đường, cần phải gọi điện thoại cấp cứu để có được sự can thiệp của bác sĩ.
Nhìn mờ: triệu chứng này không đặc hiệu cho đái tháo đường nhưng cũng thường hay xuất hiện khi mức đường huyết lên cao.
5. Biến chứng của bệnh tiểu đường:
Biến chứng ở mắt biểu hiện với cảm giác nhìn mờ, giảm thị lực do đục thủy tinh thể và thoái hóa võng mạc. Ở thận triệu chứng ban đầu là phù mắt cá chân, cẳng chân hay cẳng tay. Một số bệnh lý tim mạch như nhồi máu cơ tim, đột quỵ, xơ vữa động mạch và cao huyết áp ở bệnh nhân đái tháo đường đều có thể là những biến chứng của bệnh.

Viêm võng mạc – Triệu chứng của bệnh đái tháo đường type 2
Biến chứng thần kinh xuất hiện ở khoảng 50% bệnh nhân đái tháo đường với các dấu hiệu ban đầu như tê bì, bỏng rát, đau bắt đầu ở đầu ngón và lan dần lên phía trên. Một số biến chứng khác cũng có thể được phát hiện như nhiễm trùng dai dẳng ở miệng, da, chân, phổi… Cơ chế chung để giải thích cho các biến chứng này, đó là lượng đường trong máu cao làm tổn thương mạch máu, dây thần kinh, làm giảm khả năng miễn dịch và tăng nguy cơ nhiễm trùng ở bệnh nhân đái tháo đường

Tai biến mạch máu não 2
6. Chuẩn đoán bệnh tiểu đường type 2:
6.1 Chuẩn đoán lâm sàng: rất đa dạng, các triệu chứng tăng đường huyết điển hình như ăn nhiều, uống nhiều, tiểu nhiều, sụt cân nhanh. Một số trường hợp khác phát hiện nhờ khám sức khỏe định kỳ, hoặc khi đã có biến chứng của đái tháo đường.
6.2. Chuẩn đoán bằng xét nghiệm:
Xét nghiệm chuẩn đoán: đường huyết lúc đói, đường huyết sau ăn, đường huyết bất kỳ, HbA1c.
Xét nghiệm để đánh giá biến chứng: đạm niệu, Ure, Createnin máu, ECG, Siêu âm doppler mạch máu, siêu âm tim, đo điện cơ, chụp đáy mắt…
Tiêu chí chuẩn đoán: (theo Hiệp hội đái tháo đường Hoa Kỳ 2010)
+ Đường huyết lúc đói ( sau nhịn ăn 8 giờ) ≥ 126 mg/dl ( 7mmol/L)
+ Đường huyết 2 giờ sau uống 75gr glucose ≥ 200mg/dl( 11mmol/L).
+ Đường huyết bất kỳ tại một thời điểm ≥ 200mg/dl.
7. Điều trị.
7.1 Nguyên tắc:
Điều trị đái tháo đường type 2 hiện nay đòi hỏi hướng tiếp cận đa yếu tố với những nguyên tắc sau :
- Kiêm soát nguyên nhân bệnh sinh của đái tháo đường type 2 : Đề kháng insulin và suy giảm chức năng tế bào β tuyến tụy.
- Kiểm soát chặc chẽ và duy trì mức đường huyết gần với bình thường trong 24 giờ nhằm ngăn ngừa và làm chậm các biến chứng của bệnh nhất là biến chứng mạch máu lớn và mạch máu nhỏ.
- Điều trị các yếu tố nguy cơ phối hợp như : rối loạn chuyển hóa lipid, tăng huyết áp, …
- Giảm cân và giử mức cân nặng lý tưởng.
- Để thực hiện mục tiêu này, ngoài việc sử dụng thuốc thì thay đổi lối sống với một chế độ ăn uống và vận động thể lực thích hợp là những yêu cầu cơ bản trong điều trị
7.2. Phuơng pháp điều trị :
- Thay đổi lối sống với chế độ ăn và tập luyện thể lực thích hợp.
- Sử dụng thuốc hạ đường huyết không phải insulin.
- Kết hợp insulin với thuốc hạ đường huyết.
- Sau cùng là điều trị insulin thay thế.
Bài viết được lượt bỏ nhiều phần chuyên môn sâu và được kiểm tra – tham vấn bởi bác sỹ Danh Ngọc Minh

Bác sỹ Danh Ngọc Minh
Trong bài viết có tham khảo các tài liệu và các trang web khoa học bệnh tiểu đường:
- Mai Thế Trạch, Nguyễn Thy Khuê (2007), Nội Tiết Học Đại Cương, Nxb Y Học, Tp Hồ Chí Minh
- ADA (2010), “Standards of Medial Care in Diabetes”, Diabetes Care, Volume 33, Supplement 1, January 2010.)
Biên soạn: Phan Thành Hiếu.